Tin Tức

Bài toán đổi mới công nghệ cho thị trường Thiết bị điện

Chỉ tính riêng phân khúc đèn Led cũng đã cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của rất nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Đa phần các sản phẩm thiết bị điện được sản xuất ở trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Bài toán đầu tư đổi mới công nghệ lại được đặt ra.

Theo ông Đoàn Quốc Tú – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vonta Việt Nam nhận định thị trường bóng đèn Led hiện nay cạnh tranh rất khốc liệt. Trước kia, với sản phẩm bóng đèn truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay dã có vô số DN trong và ngoài nước nhảy vào thị trường này.

Cầm một sản phẩm đèn Led mới ra lò của công ty, ông Đoàn Quốc Tú cho biết bóng đèn Vonta đang sử dụng công nghệ chip Led của Nhật Bản “đủ sức” cạnh tranh, còn nếu không thì khó giữ được thị trường.

Theo ông Đoàn Quốc Tú, việc phát triển công nghệ mới được xem như một trong những yếu tố quyết định để tăng lợi thế cạnh tranh nhằm phát triển thị phần thiết bị điện trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Xem thêm: Vì sao LED Vonta đạt chuẩn an toàn?

Tại Triển lãm quốc tế Công nghệ và Thiết bị điện Vietnam ETE 2018 diễn ra ở TP. HCM hồi tháng 7/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng với việc tăng cường đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, các DN nội trong ngành này đã và đang đạt được nhiều tiến bộ.

Theo ông Hải, các DN sản xuất thiết bị điện trong nước cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước mà còn từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Hải lưu ý là các doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện đã sản xuất đáp ứng được khoảng 90% phụ kiện, thiết bị chính cho lưới điện, nhưng đối với lĩnh vực công nghệ thiết bị điện và các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thì năng lực sản xuất trong nước chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Theo ước tính, nhu cầu mua sắm thiết bị điện trên thị trường điện gia dụng trong nước hiện nay lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, ngoài thị phần ở phân khúc bóng đèn và đèn Led được cho là có chút cân bằng với khối ngoại, các thương hiệu nội địa vẫn chưa chiếm được thị phần đáng kể ở các phân khúc thiết bị điện khác.

Vấn đề nằm ở chỗ nhiều sản phẩm thiết bị điện trong nước được cho là tính cạnh tranh chưa cao vì giá thành đắt hơn sản phẩm ngoại trong khi lại kém về sự đa dạng và phong phú về chủng loại, cũng như những đáp ứng hạn chế về nhu cầu tiết kiệm điện.

Thị trường thiết bị điện được cho là sẽ còn tiếp tục nóng lên khi liên tục xuất hiện các thương hiệu lớn từ các quốc gia châu Á theo hình thức nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, hoặc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Được biết, mục tiêu của ngành sản xuất thiết bị điện nội địa trong 2 năm tới là cần phải đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện. Đây cũng là một trong 5 lĩnh vực công nghiệp được Chính phủ ưu tiên phát triển hiện nay.

Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp nội cần đầu tư công nghệ mới, đầu tư chiều sâu thiết bị điện với công nghệ tiên tiến để nhanh chóng nâng cao năng lực chế tạo thiết bị điện, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Chỉ như vậy mới có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước, thay thế các thiết bị nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, nguồn vốn để các DN nội có thể đầu tư đổi mới công nghệ và đầu tư mới các thiết bị ngành điện vẫn là thách thức lớn. Các ưu đãi về vốn vay hiện nay vẫn ưu tiên dành cho các DN sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng, khai thác năng lượng tái tạo.

MC.

Để lại 1 bình luật